Tin tức sự kiện
Không dán phù hiệu xe tải có thể phạt 3-5 triệu đồng từ 1/7
Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định gắn phù hiệu “Xe tải” đối với các xe từ 7 đến dưới 10 tấn sắp đến thời hạn phải thực hiện, nhưng đến nay các chủ phương tiện thậm chí còn chưa biết đến việc này.
“Cứ từ từ hẵng tính”
Theo quy định tại Nghị định 86 năm 2014, trước ngày 1/7/2016, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 7 đến dưới 10 tấn phải gắn phù hiệu xe tải. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay các chủ xe vẫn “bình chân như vại”. Thậm chí, có chủ xe còn không biết việc này.
Ông Đoàn Đà, chủ một xe tải ở thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, không biết có quy định các xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải xin Giấy phép kinh doanh và gắn phù hiệu xe tải. Vì vậy, đến nay vẫn hoạt động bình thường và không có kế hoạch đi xin phù hiệu theo quy định.
“Tôi chỉ chạy xe loanh quanh trong huyện, khi chở cát, lúc chở sỏi, nói chung là ai thuê gì chở nấy nên chẳng cần giấy tờ, phù hiệu gì”, ông Đà nói và chỉ tay về phía chiếc xe tải nằm ở góc xưởng. Chiếc xe đã cũ, tải trọng hơn 7 tấn mua cách đây 5 năm trông có vẻ ọp ẹp.
Còn anh Nguyễn Sơn, chủ xe và cũng là tài xế xe tải 7,5 tấn chuyên chở thức ăn chăn nuôi cho một nhà máy ở huyện Phú Xuyên đi các tỉnh lân cận cho biết, vừa được biết thông tin chiếc xe của mình nằm trong diện phải xin gắn phù hiệu xe tải qua internet. Nhưng thời hạn còn dài những 3 tháng nữa nên “từ từ hẵng tính”.
“Dạo này đang nhiều hàng quá, phải chạy bù sản lượng suốt. Còn chuyện xin cấp phù hiệu để sau. Hơn nữa mình cũng chưa hiểu tác dụng của cái phù hiệu ấy để làm gì?”, anh Sơn nói.
Có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng
Thực tế cho thấy, tâm lý của các chủ phương tiện thường chuẩn bị hết thời hạn mới chịu mang phương tiện đi đăng ký và xin gắn phù hiệu theo quy định. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội đến nay chưa có một xe tải nào từ 7 đến dưới 10 tấn đến đăng ký và gắn phù hiệu, mặc dù đã tuyên truyền, nhắc nhở từ lâu.
“Tâm lý các chủ DN và cả chủ xe thường là “nước đến chân mới nhảy”. Điều này cũng khiến chúng tôi lo ngại bởi số lượng phương tiện trong diện phải gắn phù hiệu khá lớn, lên đến con số vài nghìn xe. Thường chỉ khi nào xử phạt, các chủ xe mới mang xe đến đăng ký. Nhiều chủ xe nói chưa biết thông tin về việc này là không đúng. Khi anh đã kinh doanh thì phải nắm được các quy định, cập nhật chính sách để thực hiện. Chẳng qua hiện nay chưa xử phạt nên các chủ xe mới không thực hiện”, ông Long nói và lấy ví dụ đối với các xe tải trên 10 tấn cũng thế. Cuối năm 2015 rất ít xe đến xin cấp phù hiệu, nhưng chỉ đến khi đầu năm 2016 là thời điểm xử phạt, các chủ xe mới ồ ạt đến đăng ký phù hiệu. Đến nay theo thống kê đã có hơn 1.800 xe đã đăng ký và gắn phù hiệu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về lộ trình cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và lắp đặt thiết bị GSHT trước ngày 1/7/2016 đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn theo quy định tại Nghị định 86. Tổng cục cũng đã chỉ đạo các Sở GTVT tổng hợp số lượng xe phải lắp phù hiệu, các hộ kinh doanh vận tải cá thể nhiều khi cũng không nắm được quy định nên cần tuyên truyền thực hiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm về việc thực hiện gắp phù hiệu vì các xe này phải vào đăng kiểm.
Ông Lê Văn Doanh, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh) cho biết, ngay từ đầu năm Sở đã có văn bản triển khai để tránh hiện tượng “nước đến chân mới nhảy”. Đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh cá thể ít xe chỉ từ 1-3 xe có thể không nắm rõ chính sách.
Được biết, thủ tục cấp phù hiệu xe tải rất đơn giản. Chủ xe chỉ phải xuất trình Giấy phép kinh doanh vận tải, có thiết bị giám sát hành trình là đủ điều kiện. Theo ông Long, tất cả các thủ tục chỉ cần khoảng 2 tiếng là xong. Mức phí được thực hiện theo quy định, tổng chi phí xin Giấy phép kinh doanh và phí gắn phù hiệu chỉ khoảng 202 nghìn đồng.
“Khi các xe tải gắn phù hiệu đúng theo quy định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN và cả các cơ quan quản lý. Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trên đường cũng dễ dàng hơn. Chỉ cần nhìn phù hiệu là biết chiếc xe đó đã đăng ký kinh doanh hay chưa, chủ phương tiện là ai”, ông Long nói và cho biết thêm các trường hợp cố tình không đến đăng ký gắn phù hiệu sẽ bị xử lý theo Nghị định 171 và 107 với mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng. Cùng với nhắc nhở, xử phạt VPHC, trường hợp vi phạm còn có thể bị xử lý trong lĩnh vực quản lý hoạt động GTVT. Đối với xe vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần hai có thể thu hồi phù hiệu 1 tháng, 3 tháng. Doanh nghiệp 3 tháng liên tục có trên 20% số lượng xe vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải.
Nguồn: Thiện Anh - Trần Duy
(https://www.baogiaothong.vn/khong-dan-phu-hieu-xe-tai-phat-3-5-trieu-dong-tu-17-d141849.html)